Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày càng chú trọng đến chất lượng và an toàn thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn đã trở thành xu hướng tất yếu. Tại tỉnh Thanh Hóa, từ lâu những mô hình này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái mà còn hướng tới kinh tế nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, để đạt những kết quả cao trong sản xuất, chính quyền địa phương đã khuyến khích các DN, HTX, hộ gia đình đưa khoa học – công nghệ vào sản xuất trồng trọt và chăn nuôi.
Chủ động chuyển đổi, tự túc sản xuất các loại giống cây trồng
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành trồng trọt, bà Đỗ Thị Hoa, Giám đốc HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Xuân Minh, xã Xuân Minh (huyện Thọ Xuân) cho biết, ngoài một số giống hoa có giá trị kinh tế cao như hoa lan, hoa ly hiện còn phải nhập khẩu, số còn lại với các giống cây trồng khác, HTX của bà và ngành nông nghiệp địa phương có thể tự sản xuất. Tiêu biểu như các giống lúa lai, ngô lai không chỉ sản xuất phục vụ trong tỉnh mà còn cung cấp cho thị trường nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.
Khá nhiều mô hình HTX chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, đã giúp mang lại hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế và môi trường.
“Tại HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Xuân Minh, hằng năm cây trồng đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở hầu hết các khâu sản xuất và kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch… Bên cạnh đó, HTX kết hợp cùng Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed, xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất hàng trăm tấn lúa giống mỗi năm” – bà Hoa chia sẻ.
Tại tỉnh Thanh Hóa, chuyển đổi xanh trong nông nghiệp giờ không chỉ là câu chuyện của một vài DN và HTX lớn, mà nhiều mô hình nhỏ và vừa cũng đang tích cực tiếp cận xu hướng này, mang lại hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.
Sau hơn 2 năm “bén duyên” với mô hình trồng tre lục trúc lấy măng, chị Đinh Thị Lệ, thôn Minh Thái, xã Minh Sơn (huyện Ngọc Lặc) cho hay, cây tre lục trúc có giá trị kinh tế cao, phát triển xanh tốt, chất lượng măng ngon, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.
Theo chị Lệ, nếu trồng đúng kỹ thuật, sau một năm tre đã cho thu hoạch măng. Các năm tiếp theo, tre sẽ cho măng nhiều hơn thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch.
Với tâm niệm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, chị Lệ đã đứng ra vận động thành lập HTX măng tre lục trúc với 10 thành viên. Các thành viên đoàn kết thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân rộng phát triển diện tích trồng tre lục trúc tại địa phương đến nay đã tăng lên hơn 30 ha.
Tương tự, với trang trại 4,9 ha của gia đình anh Đỗ Xuân Sơn, xã Xuân Trường (huyện Thọ Xuân), sau hơn 10 năm tích cực chuyển đổi từ cây trồng là lúa và mía – năng suất rất thấp, sang những loại cây ăn quả và cây đường phố có giá trị kinh tế cao, đến nay trang trại của gia đình anh Sơn đã có 3 ha bưởi đào; 1,9 ha bưởi ruby và một số diện tích trồng cây giống Osaka, muồng anh đào, phong linh, cây đường phố, cau lùn, mít,… đã có thu nhập ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương và giúp cho hàng chục hộ gia đình trên địa bàn phát triển mô hình trồng cây ăn quả.
Khu trang trại rộng lớn với nhiều loại cây, được anh Sơn bố trí thành các phân khu phù hợp với hệ thống tưới nước tự động và bán tự động điều khiển từ xa, đảm bảo đủ nguồn nước để cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Đặc biệt, toàn bộ quy trình sản xuất cây ăn quả của trang trại đều áp dụng theo hướng hữu cơ, phân bón chủ yếu gồm phân chuồng ủ hoai mục, phân hữu cơ nhập khẩu của Nhật. Ngoài ra, anh Sơn còn ngâm bột đậu tương, cá, sử dụng chế phẩm sinh học EM gốc, rỉ mật để phân hủy thành phân vi sinh tưới cho bưởi.
Hiệu quả vượt trội từ chuỗi nông nghiệp tuần hoàn
Có thể nói, thời gian qua, nhiều trang trại, HTX và hộ gia đình tại Thanh Hóa đã chủ động chuyển đổi và ứng dụng thành công mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Những mô hình này giúp tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Sản phẩm măng tre lục trúc mang lại hiệu quả kinh tế cao, được trồng nhiều tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa.
Có thể kể đến các mô hình: Lúa – cá tại huyện Hà Trung đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 200ha; lúa – rươi tại các huyện Quảng Xương, Nông Cống với diện tích 13ha; bưởi hữu cơ tại huyện Yên Định, rau hữu cơ tại TP Thanh Hóa; lúa nếp hạt cau với tổng diện tích 830ha, măng tre lục trúc tại các huyện Ngọc Lặc, Bá Thước, Thạch Thành, Vĩnh Lộc và Hà Trung; xây dựng hoàn chỉnh quy trình và ứng dụng trên diện tích 6.900ha lúa sản xuất thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại các huyện Yên Định, Thiệu Hóa; sản xuất lúa theo hướng giảm phát thải, tạo tín chỉ carbon 90ha,…
Trước những tín hiệu tích cực trên, Liên minh HTX Việt Nam kết hợp cùng tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nhằm giúp người dân, HTX và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến, tiêu chuẩn sản xuất an toàn và xúc tiến thương mại giải quyết đầu ra cho nông sản địa phương.
Theo Quyết định số 1561/QĐ-UBND ngày 28/5/2021 của UBND tỉnh về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025”, Thanh Hóa đặt mục tiêu mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh cũng khuyến khích việc xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp để giảm thiểu lãng phí và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, các sở ban ngành và Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa còn tổ chức nhiều hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản an toàn, từ đó nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Không ngừng củng cố nâng cao hiệu quả của HTX
Để kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các HTX, doanh nghiệp với thành viên trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế của địa phương.
Với sự chủ động hội nhập, tích cực ứng dụng khoa học – kỹ thuật, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình kinh tế HTX hoạt động ở tất cả các lĩnh vực, nghề hiệu quả, tạo việc làm cho thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo… là nhân tố tích cực trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế của địa phương.
Tính đến đầu tháng 5/2025 toàn tỉnh có 1.364 HTX với hơn gần 252.000 thành viên tham gia hoạt động. Trong đó, số lao động làm việc thường xuyên tại HTX khoảng gần 40.000 người; doanh thu bình quân một HTX khoảng hơn 7,6 tỷ đồng/năm; lãi bình quân một HTX khoảng 250 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của một lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt gần 52 triệu đồng/năm.
Riêng với mô hình HTX nông nghiệp, hiện Thanh Hóa là tỉnh có số HTX nông nghiệp cao thứ 3 trong cả nước, với 783 đơn vị đang hoạt động, trong đó có 615 HTX hoạt động có hiệu quả và tham gia liên kết bền vững, chiếm 78,54 % số HTX.
Để xây dựng các HTX kiểu mới hiệu quả và thêm nhân rộng, Liên minh HTX tỉnh đã tăng cường phối hợp và khai thác tối đa nguồn lực từ Quỹ hỗ trợ Liên minh HTX Việt Nam để hỗ trợ, giới thiệu vay vốn, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện vay vốn thuận lợi, hỗ trợ các HTX đầu tư công nghệ, nâng cấp hạ tầng sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Đồng thời, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh của các HTX với doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các HTX mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tăng doanh thu và thu nhập của kinh tế HTX và kinh tế hộ thành viên. Đến nay, hầu hết các HTX đã thay đổi tư duy, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; bổ sung thêm dịch vụ mới, qua đó nâng cao thu nhập cho thành viên; thu hút lao động trẻ, có chuyên môn tham gia HTX.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Hồng Hải cho biết: “Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển bền vững trong giai đoạn mới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền và thực hiện các kế hoạch để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Xây dựng và phát triển kinh tế tập thể phải gắn với chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong đó, tập trung phát triển đa dạng các loại hình HTX, xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có sức cạnh tranh. Đồng thời, chú trọng xây dựng HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và văn hóa ở địa phương. Từ đó, thu hút nhiều nông dân, hộ gia đình tham gia vào kinh tế tập thể, HTX”.
Hồng Hương